TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG HÓA SINH HỌC TRONG MÔI TRƯỜNG CÔNG NGHIỆP” – VŨ THỊ LAN NHI

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI TÁC PHẨM BÁO CHÍ “XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN ĐA DẠNG HÓA SINH HỌC TRONG MÔI TRƯỜNG CÔNG NGHIỆP” – VŨ THỊ LAN NHI

Tên tác phẩm: “Xây dựng và phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp”

Tác giả: Vũ Thị Lan Nhi, Phòng QLQH – ĐTXD, Công ty Cổ phần Shinec

Phần 1. Đa dạng sinh học trong phát triển công nghiệp để làm gì?

Đa dạng sinh học là một số liệu môi trường thông qua đánh giá sự biến đổi các loài (động vật, thực vật, nấm, vi khuẩn, v.v.) sống trong một hệ sinh thái. Ở cấp độ vĩ mô, đa dạng sinh học góp phần duy trì các quá trình tự nhiên, đóng góp thụ động vào các hệ sinh thái hoạt động, một vài ví dụ như vòng tròn chất thải, xói mòn đất, tinh chế nước, cô lập carbon, ổn định chuỗi thực phẩm.

Mọi hoạt động của các loài sinh vật đều tác động lẫn nhau trong hệ sinh thái và ngược lại, dù lớn hay nhỏ diễn ra đều ảnh hưởng tới môi trường sống chung về mặt tích cực hoặc tiêu cực. Trong đó, con người là một cấu phần tác động lớn nhất, kết nối với thiên nhiên trong chuỗi liên kết chặt chẽ về nhiều mặt tạo sự đa dạng sinh học.

Hiện nay trong thời đại phát triển kinh tế mạnh mẽ, con người với tư duy vượt bậc đã tìm cách để tự tạo ra “sản phẩm” hữu hình và vô hình để phục vụ mục đích tồn tại và phát triển của bản thân qua việc khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra công cụ, sản xuất các sản phẩm hữu dụng,….đó là sự phát triển của nền công nghiệp.

Thiên nhiên là nguồn cung cấp tài nguyên vô giá cho con người sử dụng để tạo ra của cải thông qua các hoạt động sản xuất, khai thác khác nhau. Mối liên kết này được coi là vòng tuần hoàn, bởi vì nền công nghiệp có thể tồn tại một phần rất lớn khi thiên nhiên “dồi dào”. Với dân số và mức sống ngày càng tăng, sự phát triển công nghiệp tăng nhanh đem lại nhiều giá trị về kinh tế, tuy nhiên cũng mang theo nhiều hệ luỵ cho hệ sinh thái tự nhiên.

Thực trạng hiện nay, với cuộc đua tăng trưởng toàn cầu ở hầu hết các quốc gia phát triển và đang phát triển đã đưa đến một thách thức cho môi trường sinh thái tự nhiên khi các doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh không bền vững, mang đến các tiêu cực cho môi trường, được gọi là nền kinh tế tuyến tính. Có thể được hiểu rằng đó là hình thức doanh nghiệp khai thác các tài nguyên thiên nhiên quá mức để sản xuất các hàng hoá một cách lãng phí tài nguyên, tiêu dùng lãng phí, và sau đó thải bỏ rất nhiều và xử lý không hiệu quả các chất thải ra môi trường. Đây chính là việc lấy đi những món quà mà thiên nhiên ban tặng và trả lại môi trường những thứ độc hại nhất, dẫn đến sức khoẻ trái đất ngày một biến đổi, ô nhiễm.

Đa dạng sinh học đang bị mất với tốc độ chưa từng có và nền kinh tế tuyến tính khai thác, lãng phí và gây ô nhiễm của chúng ta ngày càng được công nhận là một trong những nguyên nhân cơ bản chính của cuộc khủng hoảng này. Ngày nay, hơn 90% tổn thất đa dạng sinh học là do khai thác và xử lý tài nguyên thiên nhiên quá mức và chưa hiệu quả.

Khi phát triển kinh tế là trọng tâm của Doanh nghiệp, mô hình kinh tế tuyến tính đã để lại hệ quả môi trường là đẩy nhanh quá trình biến tài nguyên thành chất thải dẫn đến làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường. Sức ép của nền kinh tế tuyến tính lên đa dạng sinh học đã quá sức phục hồi của môi trường, hậu quả dẫn đến biến đổi khí hậu, các thiên tai diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng như các trận động đất, sóng thần, bão tuyết, lũ lụt, thủng tầng Ozon hiệu ứng nhà kính,…

Khi các vấn đề này dần dần tác động càng rõ rệt lên đời sống của con người thì việc đầu tiên chúng ta đổ lỗi cho thiên nhiên khắc nghiệt và sau cùng khi lật lại lịch sử thì biết rằng không có gì bất ngờ khi những bất hạnh cho con người lại chính là con người tạo ra. Đó chính là sự đáp trả của thiên nhiên với chính con người khi đã mang sức ép nền kinh tế không bền vững làm tổn hại đa dạng sinh học. 

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ lớn ảnh hưởng tới nỗ lực chung vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo và sự phát triển bền vững. Năm 2023, Việt Nam được dự báo chịu đợt nắng nóng kỷ lục, hạn hán kéo dài và đón nhiều cơn bão nguy hiểm hơn, nguy cơ nước biển dâng ngày một rõ rệt. Theo số liệu đánh giá Suy giảm Đa dạng Sinh học tại Việt Nam (một trong những hoạt động thuộc khuôn khổ của Sáng kiến BIODEV2030) tại Việt Nam đang phải chịu tác động từ 12 mối đe doạ khác nhau, trong đó khai thác, sử dụng tài nguyên sinh học; hoạt động sản xuất nông nghiệp; nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản là những mối đe dọa lớn nhất.

Có thể thấy tầm vai trò quan trọng của Đa dạng sinh học là một thành phần cơ bản của sự tồn tại trong kinh doanh dài hạn. Bảo tồn sự đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các thành phần của tự nhiên và chia sẻ công bằng các lợi ích từ việc sử dụng tài nguyên chính là mục tiêu hướng đến trong sự tồn tại và phát triển công nghiệp.

Đứng trước những thách thức lớn của toàn cầu, tại COP 26, Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ gia tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ, phục hồi và bảo đảm tính toàn vẹn, kết nối; đa dạng sinh học được bảo tồn, sử dụng bền vững nhằm góp phần phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng nền kinh tế xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cũng tại Hội nghị lần thứ 15 Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra ở Montreal (Canada), hơn 190 quốc gia đã thông qua dự thảo “Khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu Montreal” nhằm định hướng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trên toàn cầu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu thoả thuận về bảo vệ và khôi phục ít nhất 30% đất đai và nước vào năm 2030. Các quốc gia giàu có cam kết trả khoảng 30 tỷ đô la mỗi năm đến năm 2030 các quốc gia kém phát triển hơn thông qua một quỹ đa dạng sinh học mới, đảm bảo có nhiều động vật, thực vật và hệ sinh thái lành mạnh hơn vào năm 2030.

Để đánh dấu thành tựu lịch sử và đáng kinh ngạc này, ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên Hợp Quốc phát động với Chủ đề “Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học” nhằm kêu gọi Chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai “Sống hài hòa với thiên nhiên” vào năm 2050.

Trước những thách thức đó, quan điểm phát triển kinh tế hài hoà với bảo tồn thiên nhiên từ các thử nghiệm những sáng kiến, ưu tiên mang tính toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học ngay tại Việt Nam đã được khuyến khích triển khai kỳ vọng phục hồi đa dạng sinh học và phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu, trong đó các mô hình được quan tâm là ESG, Kinh tế tuần hoàn, KCNST. Thông qua những kinh nghiệm quốc tế, những mô hình thí điểm mới đã minh chứng được sự chuyển đổi sang mô hình bền vững không chỉ giúp giải quyết bài toán về môi trường và còn phát triển kinh tế hiệu quả hơn.

  • ESG: là một thuật ngữ chung về khung đánh giá các khía cạnh E – Môi trường (Environment), S – Xã hội (Social), G – Quản trị (Governance), là xu thế phát triển bền vững chủ đạo tại Việt Nam và thế giới hiện nay. Khái niệm ESG được dùng trong thực tiễn như một hướng dẫn cho các bên liên quan để hiểu cách thức một tổ chức quản lý rủi ro và cơ hội trên ba trụ cột E-S-G.
  • Kinh tế tuần hoàn theo Luật BVMT 2020, ở Việt Nam được xác định là “là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”, đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
  • Khu công nghiệp sinh thái theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP Quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế là khu công nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong khu công nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp; đáp ứng các tiêu chí quy định tại Nghị định.

Các nhà đầu tư đang ngày càng nhận ra rằng họ có một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học vì ESG được nhận định rằng là “chủ đề ESG phát triển nhanh nhất trong thị trường vốn toàn cầu”. Thực tế tại thế giới đã chứng minh, doanh nghiệp thực hành và công bố ESG mang nhiều lợi ích bên ngoài lẫn bên trong cho Doanh nghiệp từ việc thiết lập Tầm nhìn và Chiến lược cho Doanh nghiệp theo hướng bền vững đến việc quản trị việc phát triển kinh tế hài hoà hơn với môi trường. Trong 3 khía cạnh đó, Kinh tế tuần hoàn đáp ứng các tiêu chí chủ yếu của phát triển khía cạnh E – Môi trường, và KCNST đáp ứng 2 tiêu chí E – Môi trường và S – Xã hội.

Bền vững trở thành một yếu tố quan trọng trong quản lý rủi ro và xây dựng doanh nghiệp thành công thời đại hiện nay, tuy nhiên tại Việt Nam hiện có rất ít doanh nghiệp nhận thức được vai trò của việc phát triển bền vững. Vấn đề chuyển đổi mô hình đang là vấn đề cấp bách để đưa doanh nghiệp tồn tại và phát triển lâu dài và đủ khả năng quản trị những rủi ro trong tương lai. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi để phát triển bền vững và hiệu quả hơn.

Phần 2. Đa dạng sinh học: Trọng tâm quan trọng tiếp theo của đầu tư ESG khi biến đổi khí hậu. Đã đến lúc đưa đa dạng sinh học vào danh sách việc cần làm ESG của Doanh nghiệp. Đa dạng sinh học tại KCN Nam Cầu Kiền – Sống hài hoà với thiên nhiên hơn

Đánh giá sự đa dạng sinh học trong công nghiệp tại KCN theo ESG, xét mặt tác động trực tiếp là do các hoạt động công nghiệp liên quan về môi trường (S). Tuy nhiên, để xác định mức độ đầy đủ ảnh hưởng của mức độ tác động vô hình và hữu hình, những vấn đề về Xã hội (S) và Quản trị (G) cũng giữ vai trò quan trọng trong đánh giá.

Xét phân tích về Môi trường (dựa trên các nội dung các khía cạnh đánh giá trích từ Báo cáo về Mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam của PWC 2022/2023)sẽ có 4 trọng tâm: Khí hậu, Chất thải, Ô nhiễm, Sử dụng tài nguyên. Trong đó Sử dụng tài nguyên thiên nhiên bao gồm mối quan tâm về: Khan hiếm nguồn nước, Quản lý năng lượng, Đa dạng sinh học và sử dụng đất,..Đa dạng sinh học giữ vai trò quan trọng trong yếu tố Môi trường trong phát triển bền vững của Doanh nghiệp.

Đa dạng sinh học với ESG, từ những định nghĩa cơ bản trên, các mô hình còn khá mới lạ tại Việt Nam, đang dừng lại ở mức độ hiểu biết và bắt đầu được doanh nghiệp tiếp cận. Nhìn chung, hiện nay có một số mô hình thí điểm nổi bật và triển vọng. Để đánh giá rõ hơn, xét với ví dụ cụ thể của một mô hình đã thành công trong lối tư duy bền vững, vận dụng những kiến thức phát triển bền vững vào doanh nghiệp – KCNST Nam Cầu Kiền.

Bằng định hướng phát triển xanh từ khi thành lập, KCN Nam Cầu Kiền đã định rõ hướng phát triển và ngày càng trau dồi hoàn thiện với sự đáp ứng các tiêu chí về KCNST, KTTH của Việt Nam và Thế giới, thực hành ESG để phát triển doanh nghiệp bền vững hơn.

Hình ảnh tổng thể KCN Nam Cầu Kiền – Hải Phòng
  1. Đặc điểm của Khu công nghiệp (Đối tượng nghiên cứu)

Quy mô diện tích KCN lớn 263,47 ha, với hơn 80 Doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Diện tích đất chủ yếu là đất trồng trọt, sau khi thu hồi sẽ chuyển đổi thành đất xây dựng các công trình, nhà xưởng. Khi phát triển KCN đã có các tác động làm thay đổi đặc tính môi trường tại Khu vực. Đa dạng sinh học trong phát triển tại Nam Cầu Kiền quan tâm một số vấn đề sau:

Các mức độ tác động đánh giá:

  • Tác động gián tiếp và trực tiếp về ô nhiễm lên môi trường;
  • Không gian sống kết nối thiên nhiên và công nghiệp (Không khí, điều kiện sống, mức độ ưu tiên, sự phù hợp,…);
  • Mức độ nhạy cảm, giá trị sống của các loài Động vật, Thực vật và Phân loại mức độ tác động Đa dạng sinh học;
  • Các phương pháp đưa ra để phòng ngừa tiến hành xử lý và phục hồi;
  • Giá trị kinh tế trong phát triển hạ tầng (ứng dụng trong quy hoạch đa tầng hệ sinh thái);
  • Sự phát triển hài hoà của các loài Thực vật, Động vật về sự đa dạng loài, sự phát triển khác biệt với môi trường bên ngoài KCN, các tác động trong sự phát triển đa dạng loài với KCN và khu vực.

Những quá trình nguy cơ làm mất cân bằng đa dạng sinh học bao gồmquá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Quá trình xây dựng công trình; Quá trình phát sinh nguồn thải từ sản xuất.

2.             Nam Cầu Kiền – “Sống hài hoà với thiên nhiên”

  • Đa dạng sinh học trong phát triển công nghiệp tại Nam Cầu Kiền xét ở đây giống như sự phản hồi của thiên nhiên khi có sự hình thành dự án Khu công nghiệp tại khu vực. Mọi sự tác động lớn nhỏ nào của công nghiệp đều làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Tuy nhiên, nếu biết quy hoạch thông minh, xây dựng không gian hài hoà kết nối với thiên nhiên, giảm tối đa tác động môi trường không khó để sự đa dạng sinh học phục hồi và phát triển ngay tại KCN.

Tầm vai trò của Đa dạng sinh học trong là vô cùng lớn và gắn kết với sự phát triển kinh tế, và nhờ những hoạt động tích cực xây dựng bảo vệ môi trường mà Nam Cầu Kiền cũng đã hình thành lên Hệ sinh thái thiên nhiên mới trong môi trường công nghiệp. Có thể thấy rõ nỗ lực để xây dựng môi trường sinh thái góp phần hài hoà với thiên nhiên, không gian tại khu vực và giảm hạn chế tối đa sự biến động hệ sinh thái, Nam Cầu Kiền đã vạch rõ kế hoạch và triển khai ngay từ những ngày đầu trong các hoạt động liên quan đến dự án từ khi bắt đầu hình thành.

*Đánh giá tác động từ hoạt động quy hoạch tổng dự án: Giải pháp quy hoạch tổng mặt bằng được xác định đảm bảo phân khu chức năng chặt chẽ giữa các lô đất với nhau phù hợp về công năng và môi trường, đồng thời đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường đối với các khu dân cư xung quanh, ít ảnh hưởng nhất đến hiện trạng đất khu vực. KCN có mật độ xây dựng hợp lý, nhiều dải cây xanh bố trí xen kẽ với hệ thống kênh điều hòa và dọc theo các tuyến đường kết hợp với hệ thống giao thông được xử lý linh hoạt, mạch lạc, đồng bộ tạo ra một khu công nghiệp xanh, hiện đại.

Diện tích đất cho các công trình hạ tầng được bố trí rải phân cách mềm là cây xanh để “tạo màu xanh” cho khu đất. Đất cây xanh, mặt nước được bố trí thành các dải cây xanh cách ly bao quanh khu công nghiệp; dải cây xanh dọc theo các tuyến kênh điều hòa; trục giao thông; các hồ điều hòa; các công trình sinh thái,… Hệ thống cây xanh, mặt nước, hệ thống kênh và các hồ điều hòa góp phần đảm bảo về sự thông thoáng, cảnh quan và thân thiện, hạn chế tối đa sự phát tán các chất ô nhiễm ra môi trường xung quanh góp phần điều hòa khí hậu cho khu vực xung quanh.

KCN ưu tiên nhóm ngành tại các vị trí phù hợp, bố trí ngay trong KCN các ngành xử lý chất thải, xử lý các sản phẩm phụ đảm bảo công nghệ thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu xử lý nhanh nhất, giảm thiểu tối đa chất thải ra khỏi môi trường. Đối với các dự án của Doanh nghiệp yêu cầu đáp ứng tỷ lệ cây xanh ít nhất là 20%, sẽ gia tăng diện tích cây xanh điều hòa môi trường KCN cùng với hệ thống công trình cây xanh, mặt nước hạ tầng KCN.

Hệ thống cây xanh hành lang giao thông KCNST Nam Cầu Kiền

*Việc thu hồi và chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp: Với hoạt động này sẽ gây ảnh hưởng tới người dân trong khu vực do thay đổi phương thức lao động ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập của các hộ gia đình. Toàn bộ diện tích dự án thu hồi phục vụ cho dự án chủ yếu là đất nông nghiệp, đất sông ngòi – thủy lợi, trong đó các thành phần đất nông nghiệp đều bị thay đổi mục đích sử dụng đất, sẽ làm thay đổi môi trường sinh thái đang tồn tại.

Với các diện tích bị thu hồi có các yếu tố đa dạng sinh học ở môi trường canh tác như các loại cây trồng ăn quả, lúa nước, các loài động vật cư trú như các loài chim, bướm, các loại sinh vật sống dưới đất, các kênh rạch nước tưới tiêu,…Các loài sinh vật này cung cấp cho con người những điều kiện sống, cung cấp lương thực và hàng loạt những sản phẩm phi lương thực khác như: các nguyên vật liệu cho cuộc sống hàng ngày, thuốc chữa bệnh, tạo nguồn thu nhập,…

Diện tích đất trung bình thu hồi của mỗi hộ dân trăm mét vuông. Khi thu hồi diện tích đất, các loài sinh vật sẽ phải di rời khỏi mặt bằng phần đất đó, như vậy toàn bộ diện tích sẽ trở thành khu vực đất trống, diện tích đất không được che phủ và dần thay đổi về tính chất, độ ẩm, các loài sinh vật dần di chuyển tới các khu vực xa hơn để cư trú lâu dài,…

Số lượng cây cối từ hoạt động giải phóng mặt bằng rất lớn, vì vậy KCN có các biện pháp quy hoạch hệ thống cây xanh từ các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng như quy hoạch trồng hồi phục lại trong vườn ươm hoặc các rải cây xanh cảnh quan, cách li tại KCN, Doanh nghiệp hoặc một phần hỗ trợ cho người dân canh tác bổ sung các diện tích còn lại của mình,…

Để giảm phạm vi thay đổi môi trường sinh thái cao nhất, các loài cây này sẽ được ưu tiên tạo cảnh quan tại hạ tầng liền kề khu đất được chuyển đổi, cung cấp doanh nghiệp bổ sung diện tích đất cây xanh trong khuôn viên Dự án. Các diện tích đất chưa được triển khai xây dựng, bố trí các đống rạ, thân cây trên cánh đồng để làm nơi trú ẩn cho các loài sinh vật có ích tránh khỏi thời tiết khắc nghiệt và các loài dưới đất khác. Đối với các loài hoa, được đưa về trồng tại các công trình sinh thái tạo cảnh quan KCN. Tận dụng những phần cần thiết của cây cối tham gia vào quá trình xử lý rác thải tạo phân hữu cơ KCN.

Tác động thay đổi mục đích sử dụng đất là lâu dài trong suốt thời gian hoạt động của KCN và khó có thể phục hồi như trước. Tuy nhiên, NCK luôn tuân thủ đầy đủ quy định về thực hiện KCN trong đó đảm bảo tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp đáp ứng tiêu chí KCNST là đạt trên 25% tổng diện tích quy hoạch sẽ thiết lập nên một hệ sinh thái mới với diện tích cây xanh cảnh quan, cây xanh điều hòa và cây xanh cách ly KCN.

Như vậy, trong quá trình thu hồi và chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các biện pháp đưa ra tận dụng lượng cây xanh tại khu vực và giảm tối đa sự thay đổi sinh học tại khu vực.

Cây hiện trạng tại khu vực thu hồi đất được tận dụng chăm sóc phát triển trong hạ tầng KCN

Hạ tầng sinh thái KCNST Nam Cầu Kiền

*Trong giai đoạn chuẩn bị mặt bằng, chủ dự án thực hiện 02 công việc chính là dọn dẹp toàn bộ cây, cây bụi cây cỏ trên bề mặt diện tích, đào đất, bơm vật liệu và bóc tách lớp đất hữu cơ yếu của đất trồng lúa và đất nông nghiệp khác. Để giảm tác động môi trường khu vực, sinh khối thực vật được phát quang và thu dọn sạch sẽ trước khi tiến hành san nền; Toàn bộ đất bóc bề mặt được tận dụng để san lấp diện tích đất trồng cây xanh. Quá trình đào đất yếu và vận chuyển tới khu vực cây xanh phải sử dụng các thiết bị có kiểm định.

*Trong quá trình thi công xây dựng dự án, các tác động từ các quá trình xây đắp, thi công xây dựng phát sinh bụi, nước thải, khí thải, độ rung,.. có thể gây tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới môi trường khu vực (đào đắp, vận chuyển, xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, các DN,…). Giai đoạn này không chỉ làm thay đổi “bản chất khu vực đất” từ việc thay đổi mục đích sử dụng mà còn liên quan các nguồn thải phát sinh tác động lên khu vực.

Các loại nước thải từ hoạt động sinh hoạt của người lao động, nước rửa trôi bề mặt cuốn theo dầu và cặn thải vào nước mưa, bụi, khói phát tán, bề mặt phủ đất bị xói mòn, và các loại chất thải nhân tạo và khó phân huỷ phát sinh, nguy cơ phát tán ra xung quanh tác động đến hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường đất và nước.

Vì vậy KCN kiểm soát chặt chẽ, KCN ban hành và yêu cầu các Nhà thầu tuân thủ đúng và đủ Quy định, Nội quy KCN về quản lý thi công, bảo vệ môi trường.KCN áp dụng các biện pháp thi công đảm bảo vấn đề bảo vệ môi trường, ưu tiên các phương án thi công an toàn, nhanh chóng, giảm tối đa tác động, hạn chế các tác động có hại do bụi, khí thải, ứ đọng, ngập úng, sình lầy, rào chắn phạm vi công trường tránh gây ô nhiễm ra môi trường.

Cơ sở hạ tầng xanh của KCNST Nam Cầu Kiền

*Với giai đoạn hoạt động sản xuất, trong giai đoạn này sự mất cân bằng đa dạng sinh học chủ yếu chịu tác động từ các nguồn chất thải phát sinh từ hoạt động của các nhà máy bao gồm lượng khí thải xả thải ra môi trường, nguồn nước thải sản xuất, sinh hoạt, các loại chất thải bỏ lẫn nhiều chất ô nhiễm, các hoạt động vận chuyển hàng hoá,… Các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp sử dụng rất nhiều nguyên vật liệu, hoá chất, nhiên liệu,.. với trữ lượng rất lớn.

Vì vậy, biện pháp đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường của các doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Toàn bộ doanh nghiệp đều tuân thủ đầy đủ các quy định về BVMT của pháp luật, Nội quy chung của KCN, thực đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và vận hành các công trình BVMT đầy đủ để xác định cụ thể những nguy cơ, đầu tư các công trình xử lý, phòng ngừa, ứng phó các sự cố. Nhằm thu hồi và xử lý nhanh chóng, triệt để các loại chất thải phát sinh ra môi trường, các công trình xử lý chất thải được đầu tư và thu hút, nhằm hạn chế các chất thải ngay tại nguồn, công nghệ xử lý thân thiện, thời gian xử lý rút gọn nhất.

Các Doanh nghiệp tham gia các chuỗi cộng sinh tuần hoàn với nhau ngay chính trong KCN hỗ trợ các công đoạn trong ngành sản xuất và xử lý các chất thải, sản phẩm phụ thành các sản phẩm có ích hoặc trở thành nguyên liệu thứ cấp cho chính các doanh nghiệp, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên xanh, năng lượng sạch thay thế. Nhờ vậy, Nam Cầu Kiền đảm bảo các nguồn chất thải đều được xử lý tại chỗ, nguồn phát sinh CO2 ra môi trường được kiểm soát từ hoạt động của các dự án.

Không chỉ quan tâm các vấn đề BVMT từ hoạt động trực tiếp tại Dự án, các hoạt động liên kết với Nam Cầu Kiền đều được xem xét, đánh giá đầy đủ. Năng lực doanh nghiệp, nguồn gốc xuất xứ, phương án triển khai,…Đặc biệt vấn đề khai thác và sử dụng quá mức nguồn tài nguyên để trở thành nguyên vật liệu, nhiên liệu cho sản xuất của một số ngành nghề (chiếm tỷ lệ rất cao trong thang đo mức độ ô nhiễm các lĩnh vực) mặc dù không khai thác ngay tại NCK, tuy nhiên điều đó tác động gián tiếp tới Doanh nghiệp trong KCN sử dụng nguyên liệu này không hiệu quả sẽ trở thành các mặt hàng, sản phẩm không còn thân thiện với môi trường nữa. Đây cũng là vấn đề các doanh nghiệp nhận thức và kết hợp cùng KCN nghiên cứu và nhanh chóng chuyển đổi, hợp tác các bên trong sử dụng các giải pháp xanh, thân thiện hơn.

Với quyết tâm xây dựng KCNST theo mô hình Kinh tế tuần hoàn, Nam Cầu Kiền còn chú trọng nhiều hoạt động thường niên kết nối và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường như Tết trồng cây, kêu gọi các doanh nghiệp và đối tác tham gia các chương trình Vì một Việt Nam xanh, Hưởng ứng chiến dịch Trồng 1 tỷ cây xanh của Việt Nam, xây dựng các chương trình trồng cây, gây rừng, thu gom rác… thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo, sự kiện về phổ biến Luật BVMT, tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, phòng chống biến đổi khí hậu,…Với sự đồng lòng của KCN và các Doanh nghiệp, mô hình ngày càng hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khắt khe, tạo điều kiện đủ cho các doanh nghiệp thuận lợi trong phát triển kinh tế kết nối với khu vực và thế giới.

Một số biện pháp tiêu biểu triển khai:

  • Lựa chọn các giải pháp sản xuất thân thiện hơn với môi trường thông qua lắp đặt điện năng lượng mặt trời cho toàn bộ KCN, thiết bị tiết kiệm điện năng cho các thiết bị điện và giảm phát thải CO2.
  • Doanh nghiệp lựa chọn kinh tế tuần hoàn, cộng sinh các doanh nghiệp để tăng cường hiệu quả sản xuất và xử lý chất thải đảm bảo giảm tối đa ảnh hưởng ra môi trường với 3 mô hình cộng sinh công nghiệp các ngành thép, phụ trợ điện – điện tử; nhựa, cộng sinh năng lượng xanh với hệ thống điện năng lượng mặt trời được đẩy mạnh khi Quy hoạch Điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cộng sinh tiết kiệm tài nguyên thông qua hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, xử lý chất thải toàn bộ KCN,…
  • Mục tiêu định hướng của Nam Cầu Kiền: Năm 2024 – Zero rác thải với khi đáp ứng khả năng xử lý chất thải ngay tại KCN; Năm 2030 – Phát triển KCNST trung hoà phát thải Cacbon hướng tới KCNST Zero Cacbon; Thực hành ESG đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững.
  • Từ tư tưởng phát triển kinh tế của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những lời dặn dò trực tiếp tới Nam Cầu Kiền, KCN đã kế thừa phát triển KCN ngày một xanh – sạch – đẹp. Phát triển du lịch sinh thái, thúc đẩy mối liên kết công nghiệp và văn hóa nhằm tạo môi trường du lịch công nghiệp thân thiện, kết nối con người – thiên nhiên, nâng cao ý thức cộng đồng. Không chỉ bằng việc khám phá, trải nghiệm thiên nhiên, Du lịch sinh thái NCK còn được tiếp cận các mô hình công nghiệp thực tế để chứng kiến trực tiếp về quá trình sản xuất, tiêu thụ để nâng cao ý thức trong tiêu thụ các sản phẩm và đóng góp các ý tưởng nâng cao BVMT chung
Hình ảnh Khu nhà máy xử lý nước thải tập trung KCN sinh thái và thân thiện với môi trường

Đa dạng sinh học nếu xét riêng từng thành phần sẽ không thấy rõ được mức độ ảnh hưởng từ phát triển công nghiệp tới môi trường. Mỗi hoạt động nêu trên đều giữ vai trò quan trọng phục hồi đa dạng sinh thái và chống biến đổi khí hậu. Minh chứng về sức ảnh hưởng này chính là môi trường KCN tạo ra đem đến những gì qua các Tác động ngắn hạn, Tác động dài hạn, Tác động tích luỹ. Để phân tích sâu hơn, chúng ta cần đánh giá về sức khoẻ môi trường sống ở đây được về sự đa dạng sinh học như thế nào, bao gồm: Sức khoẻ nguồn nước; Sức khoẻ không khí; Sức khoẻ đất; Sức khoẻ tài nguyên thiên nhiên.

Về sức khoẻ nguồn nước bao gồm nước cấp, nước mưa, nước thải, nước mặt, nước hồ được riêng biệt và quản lý chặt chẽ. KCN quy hoạch hệ thống công trình tài nguyên nước đảm bảo hợp lý về mặt thẩm mỹ, hệ thống nước mưa bố trí dọc các tuyến đường, các tuyến kênh – sông ngòi tận dụng và cải tạo lại con kênh hiện hữu, chảy ngang kết nối 2 giai đoạn của Dự án, bên cạnh đó các hồ lớn, nhỏ được bố trí khắp KCN. Với chất lượng nước tốt, các hệ thống công trình thủy lợi phần lớn được hình thành, phát triển qua thời gian dài, xen lẫn trong đó là các khu hạ tầng kỹ thuật, dự án của Doanh nghiệp và khu vực dân cư, nhờ kiểm soát tốt. Hệ thống nước tại KCN không chỉ vai trò điều hoà không khí cho khu vực mà còn tạo cảnh quan và môi trường sống ven và dưới nước và hệ thực vật phát triển mạnh với đa dạng loài như cá rô, cua, bèo, rêu,…

Khuôn viên Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN

Đối với nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của các Dự án, chứa nhiều chất ô nhiễm ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Vì vậy, được KCN thu gom triệt bởi hệ thống đường ống kín, chôn ngầm, thu gom và được xử lý và kiểm soát hàng ngày, kiểm tra giám sát thông qua bộ truyền dẫn hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục bởi cơ quan Nhà nước 24/24, luôn đáp ứng tiêu chuẩn cho phép. Nước từ hệ thống có lưu lượng lớn hàng trăm mét khối một ngày được tận dụng lưu trữ tạo hồ cảnh quan, đồng thời được tái sử dụng nuôi tôm, cá tạo hệ sinh thái. Nguồn nước sau xử lý coi là sạch đủ để xả thải ra nguồn sông, nước không có bất kỳ mùi hay cặn bẩn, thông số quan trắc đạt yêu cầu. Các loài sinh vật sống trong môi trường này phát triển khoẻ mạnh như các loài tôm, cá, nước bơm lên suối nuôi cá Koi và các cây trồng thuỷ sinh sinh trưởng tốt.

Như vậy, nguồn nước tại KCN được khai thác, sử dụng và hình thành trong quá trình phát triển của dự án vẫn luôn đảm bảo chất lượng tốt. Với tổng tỷ lệ mặt nước chiếm trên 10 ha sẽ mang đến không gian cho thuỷ sinh và các loài thực vật, sinh vật cận nguồn phát triển mạnh mẽ.

Hệ thống nước thải sau xử lý nuôi cá Koi

Về sức khoẻ không khí, các quá trình chính là giảm phát thải tại nguồn của hoạt động phương tiện giao thông, thi công xây dựng, bụi thải và xử lý, kiểm soát tốt khí thải từ quá trình sản xuất của doanh nghiệp. Thông qua các công trình xử lý, BVMT lượng khí phát sinh, đồng thời giảm thải bằng việc thay đổi công nghệ thân thiện với môi trường, giám sát, quan trắc chất lượng không khí của Dự án, lắp đặt khai thác hệ thống điện năng lượng mặt trời thay thế nguồn không bền vững. Nhờ đó, tính toán lượng cắt giảm CO2 từng dự án phát tán ra môi trường giảm đáng kể.

Bên cạnh những biện pháp liên quan trực tiếp dây chuyền sản xuất, DN và KCN còn triển khai các biện pháp cắt giảm CO2 như trồng cây xanh. Quy hoạch trồng cây xanh trên 20% diện tích phân bổ dạng hỗn hợp các loại cây sinh trưởng nhanh và chậm để đảm bảo hấp thụ cacbon ổn định và kịp thời, tỷ lệ loại bỏ phụ thuộc vào vị trí và loại cây.

Thảm thực vật khu cảnh quan sinh thái KCNST Nam Cầu Kiền

Các tầng cây bao gồm: Tầng thực vật trên cao chắn bụi tầm cao, hấp thụ ánh sáng tốt nhất, che chắn và làm giảm nhiệt độ thông qua quá trình quang học, đồng thời che bóng mát,…các loài cây này thường được bố trí các khu vực cây xanh cách li, chắn bụi; Tầng thực vật trung gian bao gồm chủ yếu các loài cây ăn quả, các loài hoa, cây bóng mát,… ngoài việc tạo cảnh quan, còn có tác dụng thu hút các loài chim, côn trùng có ích đến thụ phấn và làm nhà sinh sống và tạo nguồn thực phẩm cho khu vực, những loài cây này được ưu tiên trồng dọc các tuyến đường KCN vừa tạo cảnh quan, vừa hạ nhiệt cho đường giao thông.

Khuôn viên Vườn Nhật tại KCNST Nam Cầu Kiền

Tầng thấp gồm các loài cây bụi mục đích tạo các rải phân cách mềm cho các khu vực giao thông, cảnh quan, hồ nước, bề mặt cỏ bám mặt đất, giữ đất các giống cây lựa chọn như cỏ lạc, cỏ Nhật, cỏ 3 lá,…. Tầng mặt nước Hệ thống cây xanh tầng mặt nước nhằm thanh lọc nguồn nước thải sau xử lý, nước cảnh quan cho suối, hồ, thác, tạo môi trường sống cho các loài thuỷ sản, các loại thực vật được ưu tiên như sen, súng, thuỷ trúc, cỏ đồng tiền, chuối hoa,…Hiện KCN có hàng trăm loài cây đang sinh sống tại đây.

Về sức khoẻ của đất, kiểm soát tốt vấn đề xử lý chất thải, thu gom triệt để nước thải, kiểm soát hoá chất, vật liệu,…, cùng với sự quan tâm tăng cường đầu tư cây xanh, cảnh quan. Đất khu vực chủ yếu là nông nghiệp, chất lượng khá tốt, khi quy hoạch dự án kiểm soát tốt doanh nghiệp giữ tốt hiện trạng đất, nghiêm cấm thải bỏ các loại chất ô nhiễm, chất phóng xạ.

Để “bù đắp” diện tích đất sử dụng cho bê tông hoá xây dựng các công trình nhà xưởng, giao thông,…, KCN đã khai thác sử dụng diện tích còn tăng cao hiệu quả hơn: Khai thác hợp lý hệ thống đất hạ tầng với các hệ thống cây xanh, mặt nước, trồng cây chống xói mòn và giữ ẩm cho đất, xây dựng các công viên với công trình chủ yếu từ vật liệu tự nhiên và các loại cây xanh. Đến nay, toàn bộ diện tích hạ tầng, khuôn viên doanh nghiệp và các tuyến kênh mương đều được phủ xanh với các loài cây phù hợp.

Sức khoẻ tài nguyên thiên nhiên, xét ở đây về sự đa dạng loài ở đây:

Đảm bảo trên 65% hệ sinh thái được phục hồi, đảm bảo kết nối với hệ sinh thái chung. Bước vào KCN sẽ cảm nhận không khí trong lành, các tuyến hoa dọc theo tuyến đường cùng cây xanh bóng mát kết nối các công trình sinh thái xanh tạo không gian sinh thái giữa lòng KCN cho mỗi du khách đến đây. Không chỉ hỗ trợ phục hồi đa dạng cho KCN, nhờ phát triển môi trường sinh thái trong KCN kết nối thành thảm thực vật, môi trường trong lành với cộng đồng dân cư khu vực xung quanh đã góp phần phục hồi và phát triển hơn hệ sinh thái toàn khu vực.

Với việc áp dụng các biện pháp nghiên cứu hiện trạng, triển khai phương án giảm tối đa tác động lên khu vực và áp dụng các biện pháp tăng cường đa dạng, phòng ngừa, ứng phó các sự cố phát sinh, tỷ lệ đạt đa dạng sinh học luôn ở mức cao nhất.

Các loài thực vật tại khu vực đất thu hồi được trồng tại hạ tầng KCN, vẫn giữ nguyên đặc tính. Bên cạnh đó, KCN còn tăng cường đa dạng sinh thái khi bổ sung các loài thực vật mới, tăng thêm sự đa dạng loài tại đây: hơn 150 loài hoa, hơn 500 loài cây xanh, cây bóng mát, cây trồng lâu năm, 50 loài cây ăn quả, hàng chục hecta thảm cỏ, cây bụi, cây xanh, mặt nước, các loài thuỷ sản như cá, tôm, cua, rêu,… và sinh vật phù du khác, các loài sinh vật khác đến kiếm ăn, làm tổ. Lượng khí thải được cắt giảm từ hoạt động của các loài cây xanh khoảng 7.000 tấn CO2/năm; Lượng khí thải giảm dự kiến cắt giảm nhờ dự án lắp đặt điện năng lượng mặt trời toàn KCN giảm lên tới 40.000 tấn CO2/năm. Đất đai được cải tạo, giảm ô nhiễm, khai thác, tích hợp các cảnh quan thân thiện đã giúp nâng cao hiệu quả và giá trị của đất.

Nhờ việc giảm tất cả các nguồn ô nhiễm xuống cấp độ 0 đảm bảo môi trường cho sức khoẻ con người và các loài sinh vật. Các loài sinh vật ngày càng đa dạng, lựa chọn môi trường an toàn và hài hoà với thiên nhiên để phát triển và sinh trưởng.

Đa dạng sinh học là một trong những trọng tâm chính của đầu tư ESG vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và sự ổn định của các hệ sinh thái cũng như các dịch vụ mà chúng cung cấp cho mọi hoạt động của con người. Các nghiên cứu trên thế giới cũng đã chỉ ra rằng, phát triển Đa dạng sinh học và rộng hơn là ESG mang lại lợi nhuận tài chính tốt hơn cho các công ty trong dài hạn, vì nó giúp đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có và giảm nguy cơ thảm họa môi trường. Do đó, điều quan trọng là các công ty phải xem xét tác động của các hoạt động của họ đối với đa dạng sinh học và thực hiện các bước để giảm thiểu tác động tiêu cực.

“Đất lành chim đậu” – Không chỉ là nền tảng cơ bản để giúp Doanh nghiệp gia tăng niềm tin, giúp doanh nhân kinh doanh thu hút đầu tư các nguồn vốn đầu tư, nỗ lực không ngừng để có thể tiếp cận các quỹ đa dạng sinh học, đây còn là vùng đất của sự bình yên, trong sạch cho các loài sinh vật sẽ thành môi trường lý tưởng, thu hút một cách tự nhiên đến với mảnh đất đó.

Có thể nói KCNST Nam Cầu Kiền sáng tạo trong việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên tại khu vực; áp dụng các biện pháp nghiên cứu xác định và xử lý hiệu quả các nguyên nhân ô nhiễm môi trường nguy cơ; cắt giảm CO2 cho KCN; Đánh giá và kiểm soát chất lượng cho mọi sản phẩm, lựa chọn sản phẩm xanh; Áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng bền vững; Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển bền vững,… Dự án đã tạo môi trường làm việc lành mạnh hơn, phát triển một không gian sinh thái để bảo tồn và tạo không gian cho các sinh vật, góp phần phục hồi và đa dạng sinh học.

Triết lý “Kinh doanh trên đất – Trả lại cho đất” của Nam Cầu Kiền đã được vận dụng và triển khai đầy sáng tạo và hiệu quả với một sự đầu tư nghiêm túc cho sự phục hồi và phát triển đa dạng sinh học, phòng chống và sống chung với biến đổi khí hậu. Việc thành công trong triển khai ESG tại Nam Cầu Kiền không chỉ từ việc triển khai các hoạt động, sáng kiến bảo vệ môi trường, mà còn mang lợi ích về kinh tế, xã hội. Với nhận thức của Doanh nghiệp trong định hướng tư duy phát triển tại KCN đã đem lại nhiều sự thay đổi tích cực, doanh nghiệp nhận thức sớm về ESG trong thiết lập tầm nhìn và chiến lược cho doanh nghiệp, đánh giá việc chuyển đổi để phát triển bền vững mang lại những hiệu quả kinh tế như thế nào, giảm rủi ro ra sao và là động lực cho nhân viên tham gia sáng tạo, đóng góp ý tưởng trong cộng đồng doanh nghiệp cùng BVMT chung. Chính nhờ những nỗ lực chung, KCN đã dần khẳng định được danh tiếng về KCN và các DN tiên phong trong phát triển mô hình, đáp ứng các chiến lược của Quốc gia trong phát triển kinh tế bền vững hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm, tạo cơ hội mở rộng thị trường tương lai.

Vũ Thị Lan Nhi – Công ty Cổ phần Shinec

16 | 11/28/2024 8:07:23 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký