Khu công nghiệp sinh thái – Kinh tế tuần hoàn: Từ lý thuyết tới thực tiễn phát triển tại Việt Nam

Khu công nghiệp sinh thái – Kinh tế tuần hoàn: Từ lý thuyết tới thực tiễn phát triển tại Việt Nam

Ngày 8-4, tại Hà Nội, Viện Sức khỏe và Môi trường vì cộng đồng (IOHEC)-Công ty Cổ phần Shinec (chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền) phối hợp tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học: Khu công nghiệp sinh thái – Kinh tế tuần hoàn: Từ lý thuyết tới thực tiễn phát triển tại Việt Nam (khảo sát mô hình điểm Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), thời gian thực hiện năm 2021-2022.

Đề tài nhằm nghiên cứu kinh tế tuần hoàn như một phương thức cho giải pháp của nền kinh tế trong thời đại 4.0, thông qua vai trò của mô hình khu công nghiệp sinh thái; đồng thời xác định được các tiềm năng, lợi thế cũng như vướng mắc trong thực tiễn khu công nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp tháo gỡ, có lộ trình xu hướng chuyển đổi khu công nghiệp thông thường sang khu công nghiệp sinh thái, xây dựng được mô hình điểm về khu công nghiệp sinh thái – kinh tế tuần hoàn với các tiêu chí cụ thể, nhằm ứng dụng khả thi trong thực tiễn, giúp tăng giá trị tài nguyên, hiệu quả kinh tế – xã hội, góp phần phục vụ chương trình chiến lược chung vì mục tiêu quốc gia bền vững.

Ông Nguyễn Thiệu Anh trình bày những nội dung chính của đề tài. Ảnh: PHÚ SƠN

Trình bày tại hội thảo, ông Nguyễn Thiệu Anh, Chủ tịch Hội đồng quản lý, Viện trưởng IOHEC, chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh: Vượt ra khỏi bối cảnh một khu công nghiệp, mô hình điểm nghiên cứu này định hướng trở thành một “nền công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền” dựa trên các tiêu chí về khu công nghiệp sinh thái (theo Nghị định 82 của Chính phủ), tạo ra mục tiêu nghiên cứu của đề tài từ chỗ xây dựng được khái niệm đầu tiên về kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp Việt Nam, đã xác định và đề xuất Bộ tiêu chí kinh tế tuần hoàn có thể áp dụng rộng rãi trên cả nước.

Đề tài vận dụng phương pháp học thuyết chủ nghĩa duy vật biện chứng, trên cơ sở lý luận thực tiễn về kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái như một dạng vật chất được cộng sinh, luân chuyển trong vòng tròn khép kín, phù hợp với từng điều kiện để biến đổi từ dạng vật chất này sang dạng vật chất khác, nhằm xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm vật chất bền vững. Theo đó, dòng vật chất luôn được duy trì tồn tại, tham gia vận hành, phục vụ xã hội nhân sinh, thông qua quá trình chuyển đổi dạng thức bằng cách thiết kế chủ động tổng thể toàn bộ hệ thống.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec (chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền), đồng chủ nhiệm đề tài chia sẻ: Phạm vi đề tài là nghiên cứu tổng quan lý thuyết, bài học kinh nghiệm thế giới đến thực tiễn khu công nghiệp Việt Nam (không phải cho toàn bộ các lĩnh vực hoạt động); được thực hiện theo đánh giá, phân tích và khảo sát tại một số khu công nghiệp sinh thái của cả nước, trong đó chọn mô hình điểm là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Thủy Nguyên, Hải Phòng).

Ông Phạm Hồng Điệp trình bày tính thực tiễn của đề tài. Ảnh: PHÚ SƠN

Trình bày trước hội đồng nghiệm thu, ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh: Thực tiễn nghiên cứu của đề tài bắt nguồn từ bối cảnh lịch sử phát triển khu công nghiệp sinh thái trên thế giới, từ đó đánh giá thực trạng khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam. Như vậy, chúng ta vẫn tiếp thu những kiến thức và kinh nghiệm về tổ chức khu công nghiệp sinh thái của thế giới, nhưng được vận dụng linh hoạt, trở thành mô hình mang đặc thù kinh tế Việt Nam, phù hợp nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa.Lý do đề tài chọn Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là mô hình điểm, bởi đây là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên do người Việt Nam tự vận động cơ chế thực hiện, mặc dù không nằm trong chương trình thí điểm chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái  (gồm 8 khu công nghiệp), nhưng bản thân Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã xây dựng được mô hình quản trị tài nguyên bền vững, qua đó khai thác và sử dụng tài nguyên theo nghĩa rộng (cả về tài nguyên vệ tinh và tài nguyên trực tiếp tham gia sản xuất), nhằm đáp ứng đầy đủ hai phương pháp tiếp cận cho kinh tế tuần hoàn: Theo quy mô nền kinh tế, thành lập các không gian địa lý và theo nhóm ngành sản phẩm, nguyên vật liệu.

Các thành viên hội đồng nghiệm thu đề tài. Ảnh: PHÚ SƠN

Nhận xét về đề tài, PGS, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá: Đề tài vừa có tính lý luận khoa học, vừa mang tính thực tiễn cao. Để đề tài hoàn thiện hơn, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung nội dung về vai trò, ý nghĩa thực tiễn của đề tài. Nhấn mạnh đề tài có tính lan tỏa cao, hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại đề tài xuất sắc.

Nguồn: https://www.qdnd.vn/

16 | 11/28/2024 8:07:54 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký