Shinec mở đường cho cụm công nghiệp sinh thái văn hóa cồng chiêng Gia Lai

Shinec mở đường cho cụm công nghiệp sinh thái văn hóa cồng chiêng Gia Lai

Đánh giá Gia Lai là vùng đất hội tụ nhiều tiềm năng, doanh nghiệp đi tiên phong về mô hình khu công nghiệp sinh thái ở Việt Nam là CTCP Shinec đã lập kế hoạch đầu tư, mở đường cho sự hình thành một khu công nghiệp Nam Cầu Kiền thứ hai được nhân rộng tại đây.

Là một trong những nhà đầu tư dành nhiều tình cảm cho vùng đất Gia Lai với các ý tưởng đã được UBND tỉnh ký biên bản chấp thuận, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec đã có những chia sẻ với MEKONG ASEAN về kế hoạch sắp tới khi đầu tư vào vùng đất giàu tiềm năng này.

IMG

Đánh giá cao tiềm năng của Gia Lai

Đưa ra nhận định về tiềm năng của tỉnh, ông Phạm Hồng Điệp đánh giá, Gia Lai nằm ở cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và hai nước láng giềng Lào, Campuchia.

Hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh tương đối thuận lợi qua QL14, 14C, QL19 nối cảng biển Quy Nhơn đến cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, QL25 đi Phú Yên. Ngoài ra, hệ thống cảng hàng không Pleiku cũng đang kết nối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, trong khi cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh kết nối với Campuchia.

Ngoài ra, với những lợi thế hiếm có về điều kiện tự nhiên thuận lợi, Gia Lai cũng đang phát huy được tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp với quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và phát triển du lịch với nhiều các dự án gia tăng đáng kể cả về số lượng và quy mô vốn đầu tư.

“UBND tỉnh Gia Lai cũng đã rất quyết liệt và tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan thủ tục và có những biện pháp đột phá trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho doanh nghiệp”, ông Điệp nhận định.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn Shinec cũng chỉ ra rằng, hiện nay nông sản của Gia Lai có đến 97% sản xuất thô, còn lại chỉ có 3% sản xuất tinh. Trong khi đó, tỉnh lại có thế mạnh về vùng nguyên liệu nên đây là điều kiện rất quan trọng để đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, về cơ sở hạ tầng công nghiệp, Gia Lai chưa phải là tỉnh có sự phát triển tương xứng với tiềm năng hiện có. “Do đó, Shinec khi đầu tư vào đây sẽ đem lại giá trị gia tăng cho các nhà đầu tư thứ cấp phục vụ chế biến nông sản tỉnh Gia Lai”, ông Điệp bày tỏ.

IMG

Xây dựng khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền thứ 2 tại Gia Lai

Với môi trường đầu tư hấp dẫn và nhiều tiềm năng như Gia Lai, Chủ tịch HĐQT của Shinec cho biết, công ty đang có kế hoạch đầu tư chuỗi liên cụm công nghiệp kèm theo các dự án phụ trợ như dự án nhà ở xã hội, khu du lịch sinh thái vào vùng đất này.

Trước tiên, Công ty Shinec đang hoàn thiện thủ tục liên 2 cụm công nghiệp tại Đắk Đoa với định hướng xây dựng mô hình cụm công nghiệp sinh thái, chuyên thu hút các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và chế biến nông lâm sản.

Theo kế hoạch, cụm công nghiệp Đắk Đoa sẽ hướng tới tối ưu hiệu quả sản xuất và hình thành chuỗi logistics, sử dụng năng lượng tái tạo, nhằm đạt mục tiêu trung hoà carbon.

Từ đó, các doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất tại đây có thể tận dụng lợi thế các chứng chỉ sản xuất xanh, nguồn tín dụng xanh hướng tới xuất khẩu các sản phẩm ra quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương, gia tăng giá trị cho các nhà đầu tư và đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh.

“Chúng tôi sẽ liên kết và hợp tác với các dự án tại địa phương như dự án cụm công nghiệp của Công ty Cao Su Mang Yang để tối ưu hoá bài toán kết nối giao thông và đầu tư cơ sở hạ tầng Dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Chư Sê của Công ty Việt Phúc”, ông Điệp thông tin về các đối tác trong kế hoạch.

Hiện nay, Shinec đã xây dựng được ý tưởng để đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Đắk Đoa mang lại sự khác biệt cho tỉnh Gia Lai. Trong kết cấu hạ tầng, Shinec đang tính đến phương án xây dựng các cơ sở vật chất trong khu công nghiệp lấy cảm hứng từ văn hóa cồng chiêng của đồng bào dân tộc Ba Na.

Cùng với đó, nhằm tận dụng đối đa điều kiện của Gia Lai có độ ánh sáng mặt trời tốt, Shinec sẽ phủ toàn bộ điện mặt trời áp mái, từ đó giúp các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp Đắk Đoa sẽ giảm được chi phí sản xuất.

Ngoài ra, khi đầu tư tại Gia Lai, Shinec còn muốn phát triển hệ thống logistic cho nông sản của tỉnh. Định hướng này được xác định trên cơ sở Gia Lai là một trong những khu vực có điều kiện địa lý thuận lợi với cửa khẩu giáp với Campuchia, Lào, cùng với những tuyến đường chạy xuống cảng Quy Nhơn có thể kết nối xuất khẩu. Khi xây dựng được hệ thống ICD sẽ giúp cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tại Gia Lai có cơ hội tốt hơn để xuất khẩu.

Công ty Cổ phần Shinec ký kết biên bản hợp tác với Công ty Cao Su Mang Yang và Công ty Việt Phúc kết hợp đầu tư vào cụm công nghiệp Đắk Đoa của Gia Lai, ngày 22/5.

“Đây là một trong những tiềm năng mà Shinec nhận thấy khi đầu tư vào Gia Lai sẽ không chỉ có hiệu quả cho nền kinh tế của tỉnh, mà còn đem lại cơ hội gia tăng giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh. Đó là tổng hòa lợi ích của tỉnh – xã hội và doanh nghiệp”, ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh.

Phương án đầu tư logistics của Shinec tại Gia Lai cũng là định hướng phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh vừa được Gia Lai, Bình Định, Kon Tum gửi tờ trình đề xuất lên Chính phủ xây dựng cao tốc Quy Nhơn – Pleiku. Tuyến đường này sẽ tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung, kết nối Biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia, vươn xa hơn kết nối các nước Thái Lan, Myanmar.

“Rất phấn khởi khi những ý tưởng này đã được tỉnh Gia Lai chấp thuận và Shinec sẽ quyết tâm hiện thực hóa bằng được những ý tưởng này”, ông Điệp vui mừng thông báo.

Định vị là nhà đầu tư có trách nhiệm

Một trong những định hướng chiến lược của tỉnh Gia Lai khi mời gọi các nhà đầu tư là phát triển kinh tế song hành với bảo vệ “màu xanh” vốn có của tỉnh. Đây cũng là phương hướng đầu tư được Shinec định vị trong kế hoạch sắp tới của mình. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Shinec cho biết, công ty đang thu hút các doanh nghiệp chế biến nông sản cùng đầu tư vào Gia Lai theo hướng công nghiệp sinh thái, bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, công ty cũng muốn đưa ra những giải pháp để thay đổi thói quen về sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc địa phương. Đồng thời, giúp cho tỉnh có sự phát triển nông nghiệp tốt hơn về mặt cơ khí hóa, công nghệ cao và nâng cao chất lượng các nông sản xuất khẩu.

Đánh giá về kế hoạch đầu tư của Shinec tại Gia Lai bên lề sự kiện gặp gỡ Gia Lai – Nhật Bản ngày 22/5 vừa qua, ông Shimuzi Akira, Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam nhìn nhận, khi đầu tư tại đây, doanh nghiệp cần kết hợp với chính quyền địa phương xây dựng khu công nghệ cao gắn với mô hình bảo vệ môi trường.

Theo ông Shimuzi Akira, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết. Trong sự kiện gặp gỡ Gia Lai – Nhật Bản, có những doanh nghiệp Nhật tham gia, giới thiệu về kỹ thuật, công nghệ xử lý nước và những doanh nghiệp Việt Nam như Shinec có hướng đi xây dựng cụm công nghiệp tuần hoàn. “Tôi hy vọng 2 bên có nhiều sự hợp tác sâu rộng hơn nữa để góp phần vừa phát triển kinh tế vừa gắn với bảo vệ môi trường”, Trưởng đại diện JICA Việt Nam tin tưởng.

Để thực hiện được những kỳ vọng đã đặt ra, ông Phạm Hồng Điệp nhấn mạnh, yếu tố liên kết các doanh nghiệp là rất quan trọng. “Xác định chuỗi cung ứng là một trong những vấn đề quan trọng để giúp giảm giá thành và tăng hiệu quả sản xuất và thực hiện được những mục tiêu bao trùm, nếu các doanh nghiệp không liên kết với nhau thì rất khó thực hiện”, đại diện Shinec chia sẻ.

Hiện nay các doanh nghiệp Gia Lai đang phát triển một cách nhỏ lẻ, manh mún, để hội nhập và tranh thủ cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, do vậy, các doanh nghiệp buộc phải phải đổi mới công nghệ, giải quyết các bài toán về môi trường, xã hội.

“Như vậy, sự liên kết của các doanh nghiệp đóng vai trò lớn và tôi có thể khẳng định nếu các doanh nghiệp không liên kết trong chuỗi cung ứng thì sẽ thất bại”, Chủ tịch HĐQT Shinec nhấn mạnh.
77 | 10/1/2024 8:23:45 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
No data
NoData