Tên tác phẩm: “Dày công cho ‘hệ miễn dịch xanh’ khu công nghiệp Nam Cầu Kiền“
Tác giả: Nguyễn Anh Minh, Phó Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Shinec
Là khu công nghiệp sinh thái tiên phong của Việt Nam, Nam Cầu Kiền không chỉ làm tốt chức năng quy tụ các doanh nghiệp sản xuất mà còn là nơi bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học bền vững cho địa phương, thể hiện sự chung sống ôn hòa giữa sản xuất công nghiệp và thiên nhiên.
Trái ngược với hình ảnh các khu công nghiệp bụi mù khí thải, cát sỏi hay âm thanh rầm rầm của máy móc với xi măng cốt thép bao trùm.
Đặt chân tới Nam Cầu Kiền, ấn tượng tâm trí người tham quan chính là màu xanh của cỏ cây, âm thanh bập bõm của các hồ nước lớn nuôi cá hay tiếng chim chóc chuyền cành. Những ấn tượng này sẽ khiến không ít người hoài nghi Nam Cầu Kiền là khu bảo tồn sinh học hay là khu công nghiệp sản xuất.
Đây chính là nỗ lực dày công kiến tạo của HĐQT CTCP Shinec – chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, ngay từ khi khởi tạo.
Nghị quyết HĐQT CTCP Shinec số…./2020 đã đưa ra kế hoạch hoàn thiện mô hình Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền và chiến lược phát triển chuỗi khu công nghiệp sinh thái trên cả nước đến năm 2025.
Nghị quyết này cũng là căn cứ để Shinec xây dựng “hệ miễn dịch xanh” cho một khu công nghiệp sinh thái đầu tư do người Việt đầu tư.
Hệ miễn dịch này không những tạo nên sức sống cho Nam Cầu Kiền, tạo hệ sinh thái kết nối cho chính các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cho bà con địa phương. Đặc biệt, từ “hệ miễn dịch xanh”, các doanh nghiệp tại Nam Cầu Kiền còn được hưởng các lợi thế ưu đãi từ Nhà nước cho mô hình sản xuất công nghiệp bảo vệ môi trường.
Ưu tiên các giải pháp tối ưu trong quá trình đầu tư
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được quy hoạch trên địa bàn 4 xã Kiền Bái – Thiên Hương – Hoàng Động – Lâm Động, đây là vùng đất nằm phía Tây – Nam huyện Thủy Nguyên sát bờ tả sông Cửa Cấm.
Vùng đất này từ trước một phần được bà con canh tác thâm canh trồng lúa, một phần làm ao/ hồ nuôi các loại cá nước ngọt, nước lợ do tận dụng nguồn nước các con kênh chảy qua
Trong quá trình đầu tư, ngay từ khâu lập đồ án quy hoạch đã tính đến các giải pháp tối ưu, khéo léo bố trí để các tuyến kênh/rạch hiện đạng gần như được duy trì như cũ, chỉ nắn chỉnh thẳng tuyến và nâng cấp mở rộng lòng kênh và kè đá hai bên bờ, đáy kênh giữ nguyên. Hay một số hồ lớn vẫn được giữ lại làm hồ sinh thái trong công viên, hoặc hồ chức năng của công trình bảo vệ môi trường.
Khâu san lấp cũng được thực hiện một cách tối ưu, tầng đất mặt (khoảng 30 cm đất màu mỡ bên trên) được bóc tách để tận dụng, vừa đáp ứng theo quy định, vừa giúp đảm bảo kết cấu nền của khu công nghiệp.
Đất bóc lên được chuyển về các tuyến trồng cây xanh cách ly, hoặc các khu vực quy hoạch là công viên cây xanh, và một phần lớn tập hợp ở khu vườn ươm rộng gần 5ha (hiện nằm trên trục đường chính vào kcn).
Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec Phạm Hồng Điệp vẫn thường căn dặn nhân viên rằng: “Kinh doanh trên đất – trả lại cho đất là một trong những giá trị cốt lõi của Shinec, để từ đó chúng ta sẽ chung tay xây dựng thành công khu công nghiệp sinh thái theo đúng nghĩa tại Nam Cầu Kiền, mang niềm tự hào này từ Hải Phòng truyền cảm hứng cho các nhà đầu tư trên cả nước, có cách nhìn đầu tư bền vững, đầu tư cho tương lai, phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Từ đó tạo ra nhiều hệ sinh thái cộng sinh, đem niềm hạnh phúc cho mọi người”.
Khu công nghiệp với vô vàn cây ăn quả bản địa
Về cơ bản Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền không phải mua thêm đất màu từ nơi khác để trồng cây, mặc dù mật độ đất cây xanh các loại trong khu công nghiệp có tỷ lệ rất cao, chiếm trên 20%, chưa kể diện tích mặt nước.
Thông thường quá trình san lấp các dự án sẽ tạo ra các vật liệu thay thế (như cát đen, đất núi,….), làm thay đổi tính chất của tầng đất mặt, là môi sinh quan trọng của các loài thực vật, động vật, côn trùng và vi sinh vật đặc trưng của khu vực đó. Để hạn chế quá trình, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã tránh tối đa vấn đề tác động ấy.
Cụ thể, Nam Cầu Kiền đã bảo tồn tầng đất mặt và các loại thực vật bản địa trên các diện tích đất cây xanh, đặc biệt hầu hết các loại cây lâu năm như: Bưởi, na, mít, nhãn, chay, vải, ổi, phượng… bằng cách đánh nguyên bầu chuyển về tập kết ở khu vườn ươm. Sau đó, những cây này mới được phân bố trồng trên các tuyến cây xanh và công viên chủ đề của khu công nghiệp.
Như vậy, hệ thống cây xanh bóng mát của khu công nghiệp hầu hết được tận dụng từ nguồn cây tại chỗ, chỉ có một phần cây cảnh/ cây bụi trang trí được nhập bổ sung.
Xét trên khía cạnh tính toán tổng mức sinh khối của hệ thống cây xanh, trước và sau khi đầu tư hoàn thiện khu công nghiệp thì không bị giảm đi, mà còn có xu hướng tăng trưởng bền vững.
Một điểm đặc biệt hơn cả trong hệ thống đa dạng sinh học của Nam Cầu Kiền là các loài cây ăn quả bản địa do bà con để lại khi giải phóng mặt bằng được tiếp tục chăm sóc bài bản và có điều kiện duy trì và phát triển tốt. Có thể kể đến như vải, nhãn, ổi, xoài, chay, me vẫn cho quả rất đều, được lực lượng bảo vệ thu hái và chia sẻ cho các doanh nghiệp thành viên trong khu công nghiệp.
Riêng với cây cau – biểu tượng của vùng đất Thủy Nguyên đã nổi tiếng nhiều đời với nghề trồng cau, cũng được Nam Cầu Kiền tiếp tục lưu giữ những giống quê hương này.
Có thể khẳng định, Nam Cầu Kiền đã và đang là nơi tạo ra môi sinh bền vững để bảo tồn sinh thái, bảo tồn những giống cây, những nguồn gen tự nhiên giá trị này.
Chắt chiu những dòng nước trong mát
Về môi trường nước, bên cạnh quan điểm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, Nam Cầu Kiền đã làm tốt vai trò khai thác vận hành khu công nghiệp sinh thái, đặc biệt việc quản lý sử dụng nước và xả thải đáp ứng tiêu chuẩn của các nhà máy sản xuất thứ cấp.
Dẫn chứng điển hình là tất cả nước sinh hoạt và sản xuất trong khu công nghiệp đều lấy từ nguồn nước máy (nước sạch từ nhà máy nước cung cấp), không tồn tại hiện tượng khoan giếng hoặc hút trộm nước từ các kênh mương. Điều này giúp tầng nước ngầm trong kết cấu địa tầng được bảo toàn, vừa đảm bảo sự bền vững của đất và môi trường sống trong đất.
Bên cạnh đó, nước thải của các nhà máy được thu gom qua hệ ống HDPE tiêu chuẩn, gom về nhà máy xử lý đến khi đạt chuẩn đầu ra (qua các tầng kiểm soát chặt chẽ) mới được bơm ra ngoài sông Cửa Cấm.
Nước mặt của Nam Cầu Kiền chủ yếu từ nước mưa, được tiêu thoát qua các tuyến cống nhánh, gom về cống chính và kênh lớn chạy qua trục khu công nghiệp. Như vậy xét trên bình diện lớn, môi trường nước nói chung cũng không bị quá trình sản xuất công nghiệp làm ảnh hưởng.
Biểu hiện cụ thể là những dòng nước trong mát chảy qua khu công nghiệp có rất nhiều cá, tôm, hệ sinh vật thủy sinh khỏe mạnh phong phú. Người lao động và người dân quanh vùng thường xuyên câu cá, dạo chơi trên các tuyến này.
Cộng hưởng các nhà đầu tư trong “hệ miễn dịch xanh” Nam Cầu Kiền
Tại Hội thảo “Phát triển khu công nghiệp sinh thái, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0” tổ chức tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, ngày 17/6/2022, Chuyên gia kinh tế, TS. Mai Văn Sỹ thì đánh giá về hệ thống cây xanh do Shinec quy hoạch tại Nam Cầu Kiền.
“Tại Shinec, tất cả các đường giao thông đều chia từ vỉa hè vào 6m, sau đó trồng cây ở trên để ngăn cách. Với 20% cây xanh của các nhà đầu tư, 15% cây xanh ở chủ đầu tư Khu công nghiệp thì đã bám sát tiêu chí sinh thái. Đặc biệt trong phát triển khu công nghiệp sinh thái, ý chí và trách nhiệm của các doanh nghiệp rất quan trọng. Như việc trồng một cây xanh tuổi thọ 70-80 năm đắt hơn cây tuổi thọ 1-2 năm nhưng tất nhiên mang ý nghĩa hơn”, TS. Mai Văn Sỹ nhìn nhận.
Chia sẻ từ thực tế thu hưởng “hệ miễn dịch xanh”, ông Bùi Văn Bình, Giám đốc Công ty Tân Thuận Phong đang đầu tư tại Nam Cầu Kiền cho biết, rất ấn tượng với môi trường đa dạng sinh học của khu công nghiệp. Đặc biệt là quy trình tuần hoàn các khâu trong sản xuất,
Theo đại diện Tân Thuận Phong, bởi sản xuất trong khu công nghiệp sinh thái, nên công ty cũng coi yếu tố kinh tế tuần hoàn là ưu tiên cao nhất.
“Các loại chất thải sẽ được xử lý, tái chế thành kẽm sunfat dùng cho ngành sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi. Các kim loại quý như vàng, bạc, đồng sẽ được thu hồi từ các loại chất thải điện tử. Với chuỗi cộng sinh ngành nhựa có tám đơn vị tham gia, 65% nguyên liệu đến từ doanh nghiệp nội khu với khoảng cách 1km và 85% nhựa phế liệu được tái chế. Trong khi đó, chuỗi cộng sinh ngành phụ trợ có 20 doanh nghiệp tham gia đang dần phát triển rõ nét hơn, đến từ nhiều mảng như phụ trợ ô tô, điện – điện tử, chế biến nông sản”, Ông Bùi Văn Bình liệt kê.
Tiếp nối sự tin tưởng và hưởng ứng của các nhà đầu tư, Chủ tịch HĐQT Phạm Hồng Điệp luôn tâm niệm rằng, các nhà đầu tư khi tìm đến các Khu công nghiệp rất quan tâm đến hạ tầng, đảm bảo môi trường. Đặc biệt là hệ thống các công ty xuất nhập khẩu để giúp các nhà sản xuất sẽ dễ dàng vượt qua được hàng rào thuế quan khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại quốc tế.
Nam Cầu Kiền đã có 3 mô hình hệ thống cộng sinh công nghiệp. Các nhà máy của doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Italy, Singapore, Việt Nam… đều liên kết với nhau rất hài hoà vì giá trị gia tăng cho lợi ích từng doanh nghiệp. Shinec đang muốn xây dựng thêm hệ thống năng lượng tái tạo, phủ hết điện mái nhà để sử dụng trong khu công nghiệp, góp phần bảo vệ vững bền đa dạng sinh học.
Nguyễn Anh Minh