(ĐTCK) Với các khu công nghiệp, kinh tế tuần hoàn không đơn thuần giúp gia tăng hiệu quả hoạt động, mà còn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững.
Nhiều lợi ích
Đánh giá cao vai trò của kinh tế tuần hoàn là giải pháp mà nhiều chủ đầu tư dự án khu công nghiệp đang hướng tới, bà Huỳnh Bửu Trân, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn KCN Việt Nam cho biết, đây cũng là chiến lược dài hơi của KCN Việt Nam.
Theo bà Trân, KCN Việt Nam đang từng bước phối hợp và thúc đẩy các khách thuê tham gia vào chu trình sản xuất vòng tròn khép kín, đồng hành cùng khách thuê trong quá trình đầu tư, phát triển các hạng mục của kinh tế tuần hoàn. Thậm chí, KCN Việt Nam còn làm việc trước với các đối tác cung cấp dịch vụ liên quan đến các lĩnh vực trong kinh tế tuần hoàn để có thể hỗ trợ kịp thời khi khách thuê có nhu cầu và trên thực tế, có những khách thuê cần đầu tư để đạt được các chứng chỉ xanh đều đã nhận được sự hỗ trợ của KCN Việt Nam trong việc phối hợp tìm kiếm các giải pháp tối ưu cho vấn đề này.
“Chúng tôi xác định vai trò của mình là đơn vị tạo nền tảng, cơ sở để cùng khách thuê triển khai tốt mô hình kinh tế tuần hoàn trong các khu công nghiệp. Do đó, KCN Việt Nam đã đầu tư nhiều cho các hạng mục như năng lượng tái tạo, xử lý nước thải, hệ thống quản lý khách hàng hiện đại và đồng bộ trong các dự án khu công nghiệp của mình để tăng tính liên kết giữa các khách thuê”, bà Trân cho hay.
Đánh giá lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn, bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển TNI Holdings Vietnam cho rằng, mô hình này sẽ giúp Việt Nam đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về tiêu chí phát thải, phát triển bền vững.
Theo bà Hằng, Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh với quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, việc tham gia vào các hiệp định thương mại song phương, đa phương như CPTPP, EVFTA… đều ràng buộc Việt Nam phải tuân thủ các điều kiện phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bắt buộc các bên phải tuân thủ các tiêu chuẩn về chất thải, khí thải. Đây cũng chính là cơ sở phản ánh mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ chi phối nền kinh tế trong thời gian tới.
Riêng với lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, việc áp dụng kinh tế tuần hoàn sẽ mang đến lợi ích cho cả chủ đầu tư lẫn khách thuê. Với chủ đầu tư, đó là đảm bảo phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh, sạch, phát triển bền vững, từ đó đóng góp hơn nữa vào sự phát triển kinh tế – chính trị – xã hội tại địa phương và khu vực.
Với khách thuê, mô hình này giúp gia tăng hiệu quả trong sản xuất, tiết kiệm được chi phí mua nguyên vật liệu thô, hạn chế được rủi ro và sự phụ thuộc và nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn còn giúp nhà đầu tư giải quyết được công ăn việc làm cũng như bài toán khó liên quan đến tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu, tạo ra nhiều sáng kiến đổi mới công nghệ khi nghiên cứu các giải pháp tái chế chất thải, cải thiện phúc lợi xã hội và giúp ổn định nền kinh tế.
Còn theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu, kinh tế tuần hoàn giữ nhiều vai trò quan trọng, giúp các khu công nghiệp vận hành ổn định khi hướng đến các yếu tố bền vững, giúp cả chủ đầu tư và các khách thuê tiết kiệm chi phí vận hành trong dài hạn, đồng thời giảm thiểu các rủi ro do tác động môi trường, năng lượng, nước và thương mại phát thải. Riêng với khách thuê, sẽ giảm được chi phí thông qua việc có nhà cung cấp hoặc khách hàng ở gần bên.
“Nhìn chung, đây là mô hình tương đối hoàn hảo, nhưng để triển khai thành công cần có sự tính toán kỹ lưỡng từ khâu xây dựng chính sách, quy hoạch, hợp tác địa phương và nhà đầu tư, tới phương án xây dựng cộng đồng doanh nghiệp và người lao động tại khu vực triển khai”, ông Hiếu đánh giá.
Chia sẻ về kinh tế tuần hoàn tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), ông Nguyễn Anh Minh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Shinec – chủ đầu tư khu công nghiệp này cho rằng, mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu. Shinec cũng đã có đề án nghiên cứu khoa học về vấn đề này, hiện đề án đang nhận thêm các ý kiến góp ý, được mổ xẻ, tham vấn từ các chuyên gia nhằm đảm bảo hiệu quả khi triển khai trong thực tiễn.
“Shinec là đơn vị chủ động phát triển dự án điện mặt trời áp mái trong chính khu công nghiệp của mình nhằm giải quyết bài toán năng lượng, nâng cao tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, một hạng mục quan trọng không thể thiếu trong kinh tế tuần hoàn”, ông Minh thông tin thêm.
Ngày càng nhiều khu công nghiệp theo đuổi mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Thành Nguyễn
Lời giải cho tăng trưởng xanh
Theo các thành viên thị trường, khu công nghiệp là nơi hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất và hỗ trợ sản xuất. Nhìn rộng hơn, nó còn bao gồm người lao động và gia đình của họ, cũng như có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp và người dân. Các khía cạnh như quản lý năng lượng, quản lý cấp nước và xử lý nước thải đều có thể áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tại khu công nghiệp.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu cho biết, Long Hậu đã tận dụng nguồn nước sạch sau quá trình xử lý nước thải để tái cung cấp cho các khách thuê sử dụng trong công tác vệ sinh. Ngoài ra, Công ty cũng quan tâm đến môi trường sinh sống của người lao động xung quanh khu công nghiệp, thể hiện qua việc đầu tư và đưa vào sử dụng khu lưu trú công nhân với hơn 600 phòng. Trong giai đoạn dịch bệnh, khu lưu trú này đã cho thấy sự hiệu quả khi cung cấp chỗ ở an toàn cho một bộ phận lực lượng lao động của các khách thuê, góp phần tiết giảm chi phí chung cho cả doanh nghiệp và người lao động, đồng thời mang đến sự thuận tiện trong quản lý, đảm bảo an toàn an ninh và phòng chống dịch.
Một khía cạnh khác trong kinh tế tuần hoàn cũng được Long Hậu triển khai là việc áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường theo ISO 14001-2015 cho toàn bộ diện tích khu công nghiệp. Điều này mang lại thuận lợi cho các khách thuê khi họ tiến hành xây dựng nhà máy theo các tiêu chuẩn xanh như LEED của Hoa Kỳ hay LOTUS của Việt Nam.
“Khi triển khai tại một khu công nghiệp được quản lý môi trường tốt như Khu công nghiệp Long Hậu thì công trình của khách thuê sẽ được cộng thêm điểm theo hệ thống thang điểm của các tiêu chuẩn trên. Hơn nữa, để công trình đạt được tiêu chuẩn LEED hoặc LOTUS, quá trình xây dựng cần ưu tiên sử dụng nguyên vật liệu tại địa phương, cũng như có giải pháp quản lý hiệu quả năng lượng và môi trường trong quá trình vận hành công trình”, ông Hiếu cho hay.
Còn theo bà Vũ Thị Thu Hằng, trên thế giới, có rất nhiều quốc gia đã áp dụng kinh tế tuần hoàn vào hầu hết các ngành công nghiệp, trong từng bước của quá trình sản xuất đều có những tiêu chí và nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.
Bà Hằng đánh giá, tại Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn chỉ mới được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng giai đoạn 2021-2030, nên khái niệm “kinh tế tuần hoàn” còn rất mới mẻ đối với ngành công nghiệp của nước ta và chưa có bất kỳ khu/cụm công nghiệp hay doanh nghiệp nào áp dụng vào dây chuyền sản xuất, xử lý chất thải một cách toàn diện. Tuy nhiên, đây là hướng đi bắt buộc và trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước cùng các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp sẽ phải tìm hướng ứng dụng vào thực tiễn, đảm bảo bắt kịp sự phát triển của thế giới.
Với TNI Holdings Vietnam, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào các dự án khu công nghiệp được đặc biệt quan tâm và doanh nghiệp này đang nghiên cứu, tìm hiểu về các thể chế, chính sách liên quan đến kinh tế tuần hoàn để lên kế hoạch áp dụng. Bà Hằng cho hay, với kinh nghiệm 25 năm trong đầu tư, quản lý và vận hành khu công nghiệp, TNI Holdings Vietnam tự tin sẽ áp dụng thành công kinh tế tuần hoàn trong hệ thống 14 khu công nghiệp (tổng diện tích lên đến 3.000 ha) tại khắp các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước.
“Trong cả 3 lĩnh vực năng lượng, nước, vật liệu và nhiệt thải, chúng ta cần có những giải pháp xử lý tổng thể, triệt để, đặc biệt trong khâu thu gom, vận chuyển, xử lý và tái sử dụng để giảm thiểu tối đa lượng chất thải ra môi trường, tạo ra một vòng tròn khép kín trong sản xuất – kinh doanh tại các khu công nghiệp”, bà Hằng nhấn mạnh.
Chưa đủ khung pháp lý để ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn
Hiện nay, việc ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đứng trước rất nhiều thách thức.
Đơn cử, về nguồn lực, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải gắn với đổi mới khoa học, tiếp cận công nghệ tiên tiến, nhưng nguồn lực phục vụ cho mục tiêu này còn rất hạn chế. Khung pháp lý cho mô hình này cũng chưa được hoàn thiện để đưa vào triển khai thực tiễn.
Mặt khác, Việt Nam hiện còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng… để trở thành một mô hình kiểu mẫu, một doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn.
Bà Vũ Thị Thu Hằng, Giám đốc Kinh doanh TNI Holdings Vietnam
Để tạo nền tảng cho kinh tế tuần hoàn thì phải nâng cao ý thức của tất cả các thành phần kinh tế
Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, chúng ta không còn lựa chọn nào khác cho con đường phát triển của mình. Nếu trước đây mô hình của chúng ta là nền kinh tế đường thẳng: đầu vào – sử dụng – thải ra, thì nay kinh tế tuần hoàn sẽ đem phụ phẩm, chất thải trở lại nền kinh tế, tiếp tục sử dụng, tuần hoàn khép kín, thay vì thải ra môi trường.
Chúng ta nói về kinh tế tuần hoàn nhiều rồi, nhưng mức độ thực hiện còn hạn chế. Chính phủ đã rất quan tâm, nhưng các thành phần kinh tế lại chưa quan tâm đủ, tình trạng người dân, doanh nghiệp xả rác bừa bãi còn khá phổ biến cho thấy ý thức về vấn đề rác thải, môi trường còn thấp.
Vì thế, để thực sự tạo được một nền tảng cho kinh tế tuần hoàn thì phải nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, của tất cả các thành phần kinh tế. Đây cũng là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Long Hậu sẽ tiếp tục phát triển các chương trình tạo kết nối doanh nghiệp
Về hoạt động tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và các khu công nghiệp lân cận, từ năm 2017, chúng tôi đã triển khai định kỳ hàng năm chương trình về chuỗi cung ứng “Long Hậu Suppliers Day”.
Sự kiện này giúp các doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung cấp phù hợp cũng như gặp gỡ được khách hàng tiềm năng.
Chúng tôi cũng kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam như Hiệp hội Các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) để tổ chức các chương trình Suppliers Day và sẽ tiếp tục duy trì, phát triển sự kiện này hơn nữa để giúp các doanh nghiệp có sự kết nối tốt hơn trong tương lai.
Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty cổ phần Long Hậu
KCN Việt Nam có sẵn danh sách nhà thầu logistics phục vụ khách thuê
KCN Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển bền vững, hiện đang tập trung đầu tư vào nhiều hạng mục chính phục vụ cho kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp như năng lượng xanh, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quản lý khách hàng tích hợp…
Tại KCN Việt Nam, chúng tôi không chỉ cung cấp các sản phẩm về bất động sản công nghiệp chất lượng cao, mà còn cung cấp dịch vụ toàn diện và mang đến cơ hội hợp tác, kết nối khách hàng với nhau, với nhà cung cấp dịch vụ logistics và các nhà cung cấp những giải pháp khác trong các lĩnh vực.
Hiện tại, KCN Việt Nam đang làm việc với một số nhà cung cấp dịch vụ logistics nhằm chuẩn bị sẵn danh sách nhà thầu trong trường hợp khách thuê có nhu cầu.